GIÁO DỤC HAY NHỒI NHÉT: VÀI SUY NGHĨ VỀ CÁCH DẠY VÀ HỌC LỊCH SỬ Ở VIỆT NAM
Làm thế nào để cân bằng giữa "nhồi sọ" và "tư duy"
CÁCH DẠY SỬ ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN TỰ TÔN DÂN TỘC?
Mình tin rằng tất cả mọi người đang đọc bài viết này đều yêu nước, tất nhiên rồi. Là một người con của mảnh đất tuy nhỏ nhưng lại là nơi chôn thây của hàng vạn quân xâm lược đến từ những cường quốc hùng mạnh nhất, chúng ta có quyền tự hào.
Chúng ta, người Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử từng đánh bại Trung Quốc tới hàng trăm lần, từng thắng tới 3 lần đế quốc Mông Cổ ở thời đại hưng thịnh nhất, từng đánh thắng người Pháp với vị thế chỉ là một nước thuộc địa và tiếp tục thắng cả Mỹ - 1 trong 2 cường quốc hùng mạnh nhất thế kỷ 20. Chúng ta có quyền tự hào.
Nhưng bạn biết điểm chung giữa Trung Quốc, Mông Cổ, Mỹ và Pháp có điểm chung là gì không? Họ đều là những cường quốc. Và để đánh thắng một cường quốc thì cái giá phải trả chưa bao giờ là nhỏ cả. Thế nhưng cách dạy lịch sử hiện nay lại khiến cho giới trẻ không thể cảm nhận rõ được về lòng tự tôn dân tộc và lòng yêu nước.
“LỊCH SỬ ĐƯỢC VIẾT LÊN TỪ NHỮNG TRANG MÁU”
Việc lướt qua lịch sử một cách quá nhanh chóng, lướt qua 4 chiến lược chiến tranh của Pháp và Mỹ với kết quả đều thắng lợi mà không nhắc một lần đến thất bại khiến cho học sinh không thể hiểu rõ được ông cha ta đã thắng và thắng như thế nào. Lấy ví dụ tướng Jean Lattre de Tassigny từng gây ra tổn thất rất lớn cho Việt Minh tại đồng bằng bắc bộ nên Việt Minh mới phải điều địch lên rừng núi, SGK không nói. SGK không nói rằng de Tassigny gây khó khăn cho Việt Minh, chỉ lướt qua và rồi Kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Cũng tương tự trong rất nhiều đoạn lịch sử được giảng dạy ở trương trình phổ thông.
VẬY HỆ QUẢ LÀ GÌ?
Câu chuyện huyền thoại về học sinh hồn nhiên tuyên bố Quang Trung là anh em với Nguyễn Huệ, được đăng trên VTV24 cách đây gần 10 năm, đáng buồn thay vẫn là một hiện tượng quá phổ biến trong giới trẻ. Mà cũng đúng thôi, sao có thể trách họ được, khi môn Sử trong trường nhàm chán đến kinh dị.
(Đoạn phóng sự huyền thoại một thời của VTV)
Học sinh không những chán ghét môn sử mà còn khiến cho học sinh không hiểu rõ về sự hy sinh của thế hệ trước. Thậm chí việc hạ thấp đối thủ quá mức càng làm kích động tư tưởng yêu nước cực đoan của một số thành phần. Chúng ta từng thắng Mỹ, thắng Pháp, Trung Quốc và Mông Cổ là sự thật nhưng những chiến thắng ấy chưa bao giờ dễ dàng như cách mà SGK lướt qua dòng chảy lịch sử. Điều này càng đi ngược lại với sứ mệnh của sử học là phải kích thích được tinh thần dân tộc.
Chúng ta nên tự hào vì ở bên cạnh một nước lớn nhưng vẫn giữ được nền độc lập, không giống như người Latvia phải sáp nhập và là một nước trực thuộc Nga, phải mặc quần áo, phải nói tiếng Nga trong hàng chục thập kỷ, cũng chẳng giống người Hàn tuy là cường quốc nhưng trong đoạn lịch sử cũng từng có giai đoạn vua phải quỳ gối trước nhà Thanh, chịu trở thành một phần của nhà Thanh và phải mặc quần áo của người Hán. Chúng ta tự hào vì chúng ta sẵn sàng đổi “10 người Việt lấy 1 lính Mỹ” nếu như đem lại độc lập cho đất nước chứ không phải vì chúng ta đã “dễ dàng” đánh bại các cường quốc.
Đành rằng, cách dạy lịch sử như hiện tại có nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử chống giặc ngoại xâm, và quan trọng nhất là lịch sử của cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và mục tiêu tối thượng của việc dạy sử, là làm sao cho các lớp người đi sau luôn đoàn kết và tin yêu chế độ.
Chính từ nhiệm vụ mang tính chính trị như vậy, mà quá trình dạy và học Lịch sử ở Việt Nam chưa đề cao tính khoa học, tức là bỏ qua một số kiến thức, đúng với thực tế, cho dù các thông tin này có thể sát với sự thật hơn. Suy cho cùng, Lịch sử cũng là một môn khoa học, và mục đích của nó là để tìm kiếm sự thật.
Cách giảng dạy lịch sử ở Việt Nam như bây giờ, phải công tâm mà nói thì vẫn đang thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ chính trị của nó, tức là duy trì sự tin yêu vào chế độ. Nhưng với việc dân trí ngày càng một được nâng cao, các phương tiện thông tin đại chúng, cả trong và ngoài nước ngày càng nhiều hơn, thì phương pháp dạy Sử như hiện tại đang dần mất đi tác dụng.
Cái “yêu nước” được tạo ra bởi cách dạy sử hiện tại, là một thứ yêu nước giả tạo, cưỡng ép, và không bền vững. Nó dẫn tới những hệ lụy sâu hơn, khi cả xã hội không có được những người yêu nước chân chính, những người sau này sẽ đảm nhiệm các vai trò quan trọng như lãnh đạo quốc gia, doanh nhân,... Nếu họ không yêu nước một cách đúng đắn, thì làm sao chúng ta có thể mong chờ họ biết chí công vô tư, không tư lợi cá nhân được? Đừng hỏi tại sao nạn tham nhũng lại tràn lan như thế?
CÓ GIẢI PHÁP HAY KHÔNG?
Vậy phải làm thế nào để vừa giúp tạo ra một hệ thống giảng dạy lịch sử sống động, tôn trọng sự thật, đảm bảo tính khoa học, khách quan, mà đồng thời giúp tạo nên một lòng yêu nước chân chính, trong khi duy trì sự ổn định và ủng hộ chính trị cần thiết cho chế độ?
Đây là một bài toán khó, nhưng không có nghĩa là không có lời giải.
Với sự tiến lên của dân trí, cách dạy sử như hiện tại chắc chắn cũng phải có những thay đổi nhằm đáp ứng thực tiễn. Việt Nam có thể học hỏi một số quốc gia châu Á, những quốc gia đã có sự tăng trưởng về kinh tế lẫn dân trí, buộc họ phải chỉnh sửa chương trình dạy Sử nhằm vừa duy trì lòng yêu nước, vừa phù hợp với trình độ dân trí.
Khi học hỏi một số quốc gia trong khu vực có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy những sự tương phản sắc nét.
Trung Quốc, với tham vọng chính trị hiện tại của họ, đang mong muốn nuôi dưỡng một thế hệ trẻ thấm nhuần chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc cực đoan, gần với cái chúng ta gọi là Chủ nghĩa Sô Vanh. Không ngoa khi nói rằng, phương pháp dạy sử ở Việt Nam hiện tại như được rập khuôn từ Trung Quốc, vì thế, chúng ta cũng không nên, và không có cái gì mới mẻ để học từ người hàng xóm này.
Trường hợp của Nhật Bản thì có chút khó so sánh hơn, bởi lẽ Nhật Bản duy tân từ sớm, hình thành ý thức dân tộc hiện đại khá sớm, và cũng bởi họ thua cuộc trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nên cách giảng dạy Lịch sử của họ có nhiều sự lệch pha mà Việt Nam khó học hỏi. Chính bản thân Nhật Bản cũng luôn vướng phải nhiều tranh cãi trong nước lẫn ngoài nước liên quan đến chương trình sách giáo khoa lịch sử. Những người theo chủ nghĩa dân tộc muốn hạn chế dạy về những tội ác của Nhật trong quá khứ, dấy lên nhiều tranh cãi từ phe đối lập trong nước lẫn các nước hàng xóm.
Trường hợp của Hàn Quốc có lẽ sẽ gần gũi với Việt Nam hơn.
Hàn Quốc cũng dạy rất nhiều sự kiện mang màu tiêu cực trong quá khứ của quốc gia họ, như cuộc nổi dậy ở Gwangju, nổi dậy ở Jeju, thảm sát No Gun Ri,... Và mặc dù cũng có nhiều chỉ trích về việc chương trình lịch sử ở Hàn Quốc đã mô tả Bắc Triều Tiên quá tích cực, miêu tả Chính quyền Park Chung Hee mà không nói tới đủ nhiều về các vi phạm nhân quyền của Chính quyền này, hay việc họ ít nhắc tới Thảm sát Geochang. Hiển nhiên, không cái gì là hoàn hảo cả, và việc Hàn Quốc đính kèm những sự kiện như vậy trong sách giáo khoa, ngoài lý do là dân trí của quốc gia này cao hơn Việt Nam rất nhiều, thì còn có lý do chính trị ẩn sau đó, khi Chính quyền Hàn Quốc hiện tại muốn nâng cao ý thức về tiến trình dân chủ hóa ở quốc gia này, qua đó ủng hộ Chính quyền dân chủ hiện tại.
Nhưng không thể chối cãi rằng, chương trình ấy đã làm khá tốt trong việc cân bằng giữa duy trì lòng yêu nước, sự ủng hộ cho chế độ, và tính trung thực, tính khoa học của bộ môn Lịch sử.
BÀI HỌC TỪ CHÂU ÂU
GS. Eckhardt Fuchs từ Viện Georg Eckert về Nghiên cứu SGK Quốc tế - Đức đã chia sẻ về ví dụ của tiếp cận đa thuyết trong các dự án SGK chung giữa Đức - Pháp hay Đức – Ba Lan. Với dự án SGK gần đây nhất là bộ SGK chung “Châu Âu - Lịch sử của chúng ta” 4 tập do các học giả và chuyên gia từ hai nước Đức và Ba Lan cùng biên soạn, tiếp cận được xây dựng nhằm mục tiêu phá bỏ các định kiến cũ tồn tại trong cách nhìn lịch sử giữa hai nước, hay rộng hơn giữa Đông và Tây Âu.
Đức và Ba Lan đã có nhiều xung đột trong lịch sử, với cuộc Chiến tranh Thế giới lần 2 là một vết thương lớn trong quan hệ hai nước - từ đó tạo nên nhiều quan điểm đối lập nhau khi cùng nhìn về quá khứ. Một trong số đó là sự kiện người Đức bị trục xuất khỏi những lãnh thổ phía Đông (Đông Phổ cũ) sau năm 1945 khi chúng trở thành đất Ba Lan.
“Ở điểm nhìn của phía Đức, đây được coi như một hành động bạo lực sai trái chống lại thường dân. Trong khi đó, người Ba Lan cho đó là sự trừng phạt với những kẻ khiêu chiến,” GS. Fuchs nói. “Đó là hai diễn giải khác nhau về cùng một sự kiện lịch sử. Cả hai đều có một phần sự thật trong nó.”
Giải pháp là trình bày cho học sinh cách diễn giải và bằng chứng của cả hai phía: “SGK sẽ đưa ra các tư liệu lịch sử đối lập từ hai phía và đặt chúng cạnh nhau: một bà mẹ Đức từng sống ở đất cũ, hay một người Ba Lan lấy được nhà [ở đất Đức cũ] sau chiến tranh.” Cách làm này khuyến khích học sinh hai nước tiếp cận đa dạng các góc nhìn, từ đó hiểu được cách lịch sử được viết ra, và có thêm hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Nhóm biên soạn bộ SGK chung Đức - Ba Lan được thành lập sau thỏa thuận của chính phủ hai nước vào năm 2008. Tập đầu tiên được xuất bản năm 2016 và tập cuối cùng về lịch sử từ năm 1919 đến nay sẽ xuất bản vào năm 2020 tới.
KẾT
Một giải pháp phù hợp sẽ còn phải tính đến hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Chỉ đơn cử như với trình độ dân trí hiện tại của Việt Nam, dù đang tăng lên từng ngày, nhưng nếu áp dụng mô hình như Nhật Bản, hay Hàn Quốc, thì sẽ là thảm họa.
Dẫu biết đây là một chủ đề rất khó khăn, và sẽ không có giải pháp nào hoàn hảo, nhưng việc chương trình dạy lịch sử ở Việt Nam đang ngày càng trở nên yếu kém và khó hoàn thành tất cả các mục đích của nó, từ duy trì tình yêu nước, chế độ, tới tính hấp dẫn, tính khách quan,...
Cho tới lúc đổi mới được, đừng hỏi tại sao giới trẻ ngày càng chán ghét học sử, và chúng ta luôn thiếu đi những nhà sử học tầm cỡ.
LINK TÀI LIỆU THAM KHẢO:
https://euroclio.eu/2017/09/15/issues-and-challenges-of-history-education-in-the-republic-of-korea-part-i/?
_gl=1*1dilsfo*_ga*NzMzMjk4NzE4LjE3MjE3NTA3ODA.*_ga_YVLRV8F5ZS*MTcyMTg0ODU4Ny4yLjEuMTcyMTg0ODU4Ny4wLjAuMA..
https://euroclio.eu/2017/09/22/issues-and-challenges-of-history-education-in-the-republic-of-korea-part-ii/
https://www.researchgate.net/publication/330446977_History_Teaching_in_the_Republic_of_Korea_Curriculum_and_Practice
https://core.ac.uk/reader/60658000
https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/14608944.2021.1931084
https://www.nippon.com/en/in-depth/d00797/
https://www.bbc.com/news/magazine-21226068
https://www.theguardian.com/world/2015/nov/03/south-korea-accused-rewriting-history-schoolbook-policy
https://thediplomat.com/2018/04/using-education-to-make-japan-great-again/
https://thediplomat.com/2015/04/south-koreas-history-textbook-controversy/
https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/han-quoc-trien-vong-cua-cac-nha-nghien-cuu-tre/202402220834348p1c785.htm